Tìm kiếm tin tức
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
Bộ câu hỏi về chữ ký số
Ngày cập nhật 19/09/2023

1. Chữ ký số là gì?

Nếu như trước đây, các giao dịch như dịch vụ công, hợp đồng mua bán, hợp đồng cung ứng dịch vụ .v.v. phải thực hiện bằng hình thức in văn bản lên giấy và ký trực tiếp trên bản giấy thì bây giờ, người dân có thể sử dụng phần mềm trên máy tính hoặc trên điện thoại di động để ký thay cho chữ ký tay và văn bản giấy được thay thế bằng văn bản điện tử (hay còn gọi là chữ ký số).

2. Cách thức thay thế chữ ký tay như thế nào?

Người dân sau khi đăng ký chữ ký số sẽ được cấp một tài khoản và mật khẩu. Mỗi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số sẽ có một ứng dụng trên điện thoại di động riêng. Người dân đăng ký doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nào thì sử dụng ứng dụng của doanh nghiệp ấy.

Sau khi soạn thảo một văn bản điện tử, người dân đính kèm văn bản vào phần mềm của doanh nghiệp sau đó bấm nút ký số, phần mềm sẽ tạo ra một văn bản có chữ ký số ngay tức thời.

3. Chữ ký số sử dụng cho mục đích gì?

Việc phổ cập chữ ký số trong giai đoạn này sẽ giúp người dân đăng ký dịch vụ công trực tuyến mà không cần mang theo giấy tờ in sẵn đến các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Người dân chỉ cần ngồi tại nhà hay bất cứ đâu, điền các thông tin theo mẫu có sẵn trên dịch vụ công của Hue-S và thực hiện ký số thì sẽ được cơ quan nhà nước chấp nhận.

Trong thời gian tới, với xu thế phát triển của chuyển đổi số, các giao dịch có sử dụng chữ ký số đều có thể thay thế chữ ký giấy tùy thuộc vào các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ triển khai sớm hay muộn.

4. Chương trình phổ cập chữ ký số là gì?

Là chương trình của nhà nước phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp cho mỗi người dân một chữ ký số. Trong giai đoạn này, có thể người dân chưa có nhu cầu sử dụng, tuy nhiên xu thế sử dụng chữ ký số là tất yếu và sẽ đến một giai đoạn nào đó chữ ký số là phổ biến. Vì vậy, người dân khi được cấp chữ ký số hãy hiểu rằng đó là tài sản cá nhân của mình và bảo quản nó một cách cẩn thận nhất.

5. Có bao nhiêu doanh nghiệp được phép cấp dịch vụ chữ ký số?

Trong chiến dịch hiện nay, có 6 doanh nghiệp tham gia cung cấp chữ ký số bao gồm:

  • - VNPT Thừa Thiên Huế (VNPT-CA).
  • - Viettel Thừa Thiên Huế (VIETTEL-CA).
  • - Công ty Cổ phần MiSa (MISA-CA).
  • - Công ty Cổ phần Bkav (BKAV-CA).
  • - Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT-CA).
  • - Công ty Cổ phần Công nghệ Thẻ Nacencomm (CA2).

Người dân có quyền chọn bất cứ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số nào để sử dụng.

6. Chữ ký số có tốn tiền không?

Chữ ký số được tạo ra từ công nghệ do doanh nghiệp tự đầu tư nên cũng là một hoạt động kinh doanh, người dân sử dụng dịch vụ chữ ký số sẽ phải trả phí tùy theo chính sách của từng doanh nghiệp cung cấp khác nhau theo cơ chế thị trường (tương tự như dịch vụ điện, nước, điện thoại). Tuy nhiên, trong chiến dịch phổ cập chữ ký số toàn dân trên địa bàn tỉnh, người dân sẽ được cấp miễn phí và áp dụng các chính sách hỗ trợ có thời hạn.

7. Đăng ký chữ ký số như thế nào ?

Có 3 hình thức đăng ký:

Đăng ký trực tuyến từ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ: Người dân chọn ứng dụng trên điện thoại của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sau đó tiến hành đăng ký trực tuyến theo hướng dẫn của phần mềm (danh sách ứng dụng kèm theo).

- Người dân đăng ký trực tiếp tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ: Người dân có thể đi đến các điểm giao dịch của doanh nghiệp cung cấp chữ ký số để đăng ký.

- Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cấp phát trực tiếp cho người dân: Trong thời gian triển khai chiến dịch phổ cập chữ ký số toàn dân, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số sẽ đến tận hộ gia đình để hỗ trợ cấp phát chữ ký số cho người dân. Trường hợp này, người dân có thể đăng ký và cung cấp thông tin trên Hue-S để được sớm hỗ trợ tại nhà.

Danh sách tên các ứng dụng các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số bao gồm:

  • - VNPT Thừa Thiên Huế (VNPT-CA): VNPT SmartCA
  • - Viettel Thừa Thiên Huế (VIETTEL-CA): MySign
  • - Công ty Cổ phần MiSa (MISA-CA): MISA eSign
  • - Công ty Cổ phần BKAV (BKAV-CA): Bkav Remote Signing
  • - Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT (FPT-CA): FPT-CA MPKI
  • - Công ty Cổ phần Công nghệ Thẻ Nacencomm (CA2): CA2 Remote Signing

8. Chương trình diễn ra trong bao lâu?

Chương trình diễn ra 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: 3 tháng kể từ khi công bố kích hoạt (các doanh nghiệp cung cấp chữ ký số sẽ đến tận hộ gia đình để cấp chữ ký số).

- Giai đoạn 2: 9 tháng sau giai đoạn 1 (người dân chủ động liên hệ yêu cầu cung cấp chữ ký số tại doanh nghiệp hoặc lựa chọn hình thức đăng ký phù hợp).

9. Người dân có thể sử dụng bao nhiêu chữ ký số?

Người dân có thể sử dụng một hoặc nhiều chữ ký số của nhiều doanh nghiệp cung cấp khác nhau. Tuy nhiên, trong giai đoạn chiến dịch này thì mỗi người dân chỉ được cấp 1 chữ ký số của 1 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mà người dân lựa chọn. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác không được cấp thêm khi đã tồn tại chữ ký số của người dân.

10. Chương trình hỗ trợ trong giai đoạn này là gì ?

Trong chiến dịch này, người dân sẽ được cấp chữ ký số với các chính sách hỗ trợ sau:

- Miễn phí khởi tạo ban đầu, miễn phí trả tiền thuê bao hàng tháng, miễn phí ký dịch vụ công trực tuyến trong vòng 01 năm. Các dịch vụ khác sử dụng bao nhiêu trả bấy nhiêu theo khung giá của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số.

Lưu ý: Trong trường hợp người dân muốn thay đổi chữ ký số thì chính sách miễn phí dịch vụ công 01 năm sẽ được khấu trừ vào thời gian của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chữ ký số trước đó (không phải áp dụng 01 năm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mới).

Ví dụ: Người dân đăng ký chữ ký số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ A được 3 tháng, sau đó thay đổi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ B thì chính sách sẽ được miễn phí 9 tháng chứ không phải 12 tháng của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

11. Làm thế nào để kiểm tra nhân viên đến cấp chữ ký số tại hộ gia đình không phải là đối tượng lừa đảo hay giả mạo?

Mỗi nhân viên được cấp phép đến cấp chữ ký số cho các hộ gia đình thì sẽ được cấp một mã QR, người dân yêu cầu nhân viên xuất trình mã QR sau đó sử dụng Hue-S để quét mã QR. Kết quả sẽ xuất hiện sau khi quét QR với các thông tin: Ảnh đại diện, họ tên, năm sinh, chức vụ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và phải có thông tin Được phép cấp Chữ ký số.

Trong trường hợp không có các thông tin trên thì nhân viên đó không được cấp phép.

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 399